Thanh Hóa đổi mới văn hóa giao tiếp trong mùa du lịch 2016 Tin tổng hợp


Thanh Hóa đổi mới văn hóa giao tiếp, ứng xử trong du lịch hè 2016

Vấn đề văn hóa giao tiếp, ứng xử trong cộng đồng dân cư để mùa du lịch hè 2016 thành công được tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm.


Hiện nay, toàn tỉnh có gần 20.000 lao động thuộc ngành du lịch, trong đó có khoảng 200 lao động quản lý nhà nước, 15.000 lao động ở doanh nghiệp và gần 4.000 lao động cộng đồng. Tuy nhiên, chất lượng lao động du lịch của Thanh Hóa còn nhiều hạn chế, nhất là kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử của một bộ phận người lao động. Vì vậy, trong những năm qua, cùng với đầu tư về cơ sở vật chất, Kỹ thuật, hạ tầng, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang tập trung đổi mới chất lượng văn hóa giao tiếp ứng xử cả về chiều rộng lẫn chiều sâu cho lao động trong ngành Du lịch và cả cư dân trên địa bàn.

Theo nghiên cứu của ông Lê Trạc Nam - Chuyên viên Phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở VH,TT&DL) về văn hóa giao tiếp ứng xử của cộng đồng dân cư đối với khách du lịch trên địa bàn thị xã Sầm Sơn có nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó chủ quan là do yếu tố vị trí địa lý, phong tục tập quán hình thành nên lối ứng xử của cộng đồng. Ví như việc ép khách trả thêm tiền ghế ngồi khi sử dụng dịch vụ dường như chỉ có ở Sầm Sơn và trở thành luật bất thành văn của cộng đồng kinh doanh du lịch ở đây trong vài năm trở về trước. Bên cạnh đó, bờ biển Thanh Hoá kéo dài đến 102 km nên có một lượng lớn cộng đồng dân cư sống ở khu vực này và hình thành nên lối sống “ăn sóng nói gió”. Đồng thời du lịch của tỉnh từ trước đến nay chủ yếu là du lịch biển nên hoạt động du lịch luôn phải đối mặt với yếu tố mùa vụ dẫn đến việc kinh doanh chộp giật. Đặc biệt là ảnh hưởng chung của nền văn hóa nông nghiệp…
 
Thực tế cho thấy, biểu hiện của việc giao tiếp ứng xử còn hạn chế đó là việc ham lợi nhuận trước mắt, chèo kéo, đeo bám khách du lịch, có hành vi khiếm nhã với du khách… Đây là nỗi lo của không ít khách du lịch khi đến với Thanh Hóa trong những năm trước đây, bởi thực trạng này không chỉ diễn ra ở trung tâm du lịch biển Sầm Sơn mà còn diễn ra ở nhiều điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh.
 
Trong những năm qua, xác định Sầm Sơn không chỉ là nơi đón khách du lịch mà còn là hình ảnh của xứ Thanh, tỉnh Thanh Hóa đã chọn Sầm Sơn là điểm đột phá để thực hiện chủ trương nâng cao hình ảnh con người và vị thế của tỉnh trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế. Cùng với việc quy hoạch mở rộng, tạo không gian cho phát triển du lịch, ban hành cơ chế thông thoáng nhằm thu hút đầu tư, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo quyết liệt việc Xây dựng môi trường du lịch tại Sầm Sơn theo tinh thần Chỉ thị 18 và Nghị quyết 92 của Chính phủ về du lịch. Cùng với đó UBND thị xã đã ban hành bộ quy tắc “Văn minh du lịch Sầm Sơn” với nội dung “9 có, 9 không”, tập trung vào các hành vi giao tiếp, ứng xử của người làm du lịch như: có hành vi ứng xử văn hóa, thân thiện và trung thực; có trang phục lịch sự, đúng quy định; không chèo kéo, đeo bám, làm phiền du khách; không to tiếng, nặng lời với khách…
 
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của văn hóa giao tiếp ứng xử của cộng đồng dân cư đến thành công của mùa du lịch hè 2016, cũng như sự phát triển bền vững của ngành Du lịch xứ Thanh, UBND tỉnh cũng đã giao cho Sở VH, TT & DL xây dựng và ban hành một số giải pháp trong việc nâng cao văn hóa giao tiếp ứng xử. Trước hết, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 18 và Nghị quyết 92 của Chính phủ về du lịch, tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa của địa phương dưới mọi hình thức, đề cao tinh thần cởi mở, mến khách. Sở VH,TT&DL thường xuyên phối hợp với các cấp, ban, ngành, địa phương tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho cán bộ, nhân viên các BQL khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh và kỹ năng giao tiếp ứng xử cho cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, phối hợp với các trường học và trường đào tạo nghề du lịch trên địa bàn thực hiện tốt công tác đào tạo, nâng cao chất lượng văn hóa giao tiếp ứng xử của cộng đồng dân cư trong hoạt động du lịch. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương nhằm quản lý, giám sát tốt hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh…
 
Có thể nói, văn hóa giao tiếp ứng xử của cộng đồng dân cư có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của hoạt động du lịch. Giao tiếp ứng xử có thể để lại ấn tượng tốt đẹp, sự tin cậy nhưng cũng có thể phá vỡ đi các mối Quan hệ, gây tổn thương về mặt tình cảm, dẫn đến những ấn tượng không tốt đẹp, thậm chí gây hậu quả lớn về mặt Kinh tế, Thương hiệu du lịch. Tuy nhiên, ứng xử có văn hóa là một hành vi không phải lúc nào cũng đến từ tinh thần tự nguyện, mà phải có những áp lực từ phía luật pháp, để thái độ, hành vi ứng xử đó đi theo hoặc hướng đến một khuôn phép văn minh.

Viết bình luận

NEM BAP HEO THANH HOA
qc 2
zalo